Theo tin của CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
15/12/2017
Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra những đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô với nhận định, kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng cao trong ngắn hạn, sau đó đà tăng này chững lại, đòi hỏi phải hỗ trợ khu vực tư nhân để kinh tế có thể tăng trưởng cao và toàn diện.
Cụ thể là, kinh tế toàn cầu năm 2017 tăng cao nhất kể từ năm 2010 với xu hướng cải thiện tại hầu khắp các nước trên thế, chủ yếu nhờ các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ quy mô lớn, số việc làm mới tăng cao và đầu tư tăng nhẹ đã thúc đẩy các hoạt động thương mại. GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng 3,6% trong năm nay và tăng 3,7% trong năm 2018, sau đó giảm nhẹ vào năm 2019 với mức tăng trưởng 3,6%. So với báo cáo tạm thời được đưa ra vào tháng 9 vừa qua, OECD đã điều chỉnh nâng dự báo GDP toàn cầu, nhưng bày tỏ lo ngại về động lực tăng trưởng trong dài hạn. Tính theo bình quân đầu người, GDP tại phần lớn các nước trong và ngoài OECD đều cải thiện, nhưng thấp hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng. Lạm phát tại các nền kinh tế chủ chốt chỉ tăng nhẹ, mặc dù tăng dần theo xu hướng cắt giảm nguồn lực.
Với kỳ vọng tăng 3,6%, GDP toàn cầu năm 2017 được coi là mức tăng mức tăng cao nhất trong 7 năm qua, tình hình kinh tế cải thiện đồng thời tại các nước phát triển và mới nổi (EMEs). Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục tăng, phản ánh triển vọng kinh tế ngắn hạn, sản lượng công nghiệp và doanh thu bán lẻ tăng cao. Trong nhóm các nước phát triển, nhờ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ, kinh tế khu vực đồng tiền chung euro tăng cao hơn kỳ vọng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại những nước nhỏ có mối liên hệ với khu vực này thông qua chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với các EME, đầu tư hạ tầng tăng cao trong năm 2016-2017 tại Trung Quốc đã dẫn dắt tăng trưởng kinh tế tại các EME, làm tăng nhu cầu trên toàn cầu, nhất là tại châu Á, và tiếp tục đóng góp cho tiến trình phục hồi kinh tế tại nhiều nước xuất khẩu hàng hóa. Trong chừng mực nào đó, điều kiện tài chính tiếp tục thuận lợi tại các nước phát triển, mặc dù có thể phải đối mặt với khó khăn do xu hướng tăng giá tài sản và rủi ro bị kìm nén sẽ mở rộng. Giá cả hàng hóa tăng dần, phần nào phản ánh nhu cầu tăng cao cũng như rủi ro địa chính trị, trong khi OPEC cùng một số nước khác tiếp tục kiềm chế sản lượng dầu cho đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, giá cả vẫn thấp hơn đỉnh cao trong thời kỳ 2010-2011. Điều này cho thấy, tác động của giá cả đến triển vọng tăng trưởng còn khiêm tốn, mặc dù sẽ thúc đẩy lạm phát cơ bản.
Tăng trưởng mang tính chu kỳ cải thiện và tiếp tục được duy trì trong năm 2018, nhưng thấp hơn so với những đợt phục hồi kinh tế trước đây. Tại các nước phát triển, nhờ sự hỗ trợ của chính sách kinh tế vĩ mô, thị trường lao động cải thiện và chính sách tài chính phù hợp sẽ khuyến khích nhu cầu, qua đó thúc đẩy GDP với mức tăng trưởng trung bình 2¼% trong giai đoạn dự báo. Nếu tính theo bình quân đầu người, GDP trong giai đoạn 2017-2019 được dự báo cải thiện tại các nước phát triển, nhưng không đủ bù đắp cho thập kỷ tăng thấp tính từ năm 2007. Tại các nền kinh tế chủ chốt, chính sách tiền tệ trong năm 2018-2019 tiếp tục thuận lợi và chính sách tài khóa nới lỏng sẽ hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong những năm tới. Tuy nhiên, GDP năm 2019 tại những nền kinh tế này được dự báo chỉ tăng nhẹ do năng lực sản xuất hạn chế, phản ánh hoạt động đầu tư yếu ớt so với yêu cầu cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng.
Trong nhóm các nước EME, hoạt động đầu tư được dự báo sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ và một số nước khác tại châu Á trong năm 2018-2019; kinh tế Brazil và CHLB Nga tiếp tục phục hồi, nhờ giá cả tăng cao và chính sách tiền tệ thích hợp. Tuy nhiên, nhu cầu tại Trung Quốc được dự báo sẽ giảm dần, do việc cắt giảm các biện pháp hỗ trợ trong năm 2016-2017 và các nỗ lực ổn định nợ nần của các doanh nghiệp cũng như việc khắc phục tình trạng dư thừa năng lực sản xuất sẽ ảnh hưởng đến thương mại và GDP trong năm 2018-2019 tại những nước đối tác chủ chốt. Nếu tính theo bình quân đầu người, tăng trưởng GDP tại các nước bên ngoài OECD cũng có xu hướng giảm nhẹ trong ba năm 2017-2019.
Thương mại toàn cầu bắt đầu phục hồi từ đầu năm 2016, và tiếp tục mở rộng tại hầu hết các nước. Yếu tố chủ chốt bao gồm xu hướng phục hồi vững chắc tại châu Âu, thương mại điện tử tăng tốc tại châu Á, và sự chuyển dịch về cơ cấu nhu cầu theo hướng mở rộng đầu tư, làm tăng cường độ nhập khẩu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thương mại vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng, một phần do những yếu tố mang tính cơ cấu, bao gồm đà tăng giảm dần, thậm chí đảo ngược cùng với xu hướng suy giảm các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong thập kỷ qua, các nền kinh tế chủ chốt đã thiết lập nhiều rào cản thương mại, mặc dù bắt đầu chậm lại. Tương tự, hoạt động đầu tư theo chu kỳ cũng thấp hơn so với trước đây.
Hiện nay, hoạt động đầu tư đang khởi sắc tại hầu hết các nước phát triển, nhưng thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình trong những đợt phục hồi kinh tế trước đây. Điều này cho thấy, xu hướng năng suất tăng chậm dần sẽ cản trở tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Sau khủng hoảng tài chính, nhu cầu yếu ớt trên toàn cầu và làn sóng bất định chính sách cũng như các biện pháp điều chỉnh đã dẫn đến xu hướng trầm lắng trong hoạt động đầu tư. Tại một số nước, khu vực ngân hàng yếu ớt đã dẫn đến một số căng thẳng về tài chính, nguồn lực tồn đọng tại các doanh nghiệp xác sống “zombi” và nỗ lực cải cách chậm dần đã cản trở năng lực cạnh tranh thị trường, làm thui chột động lực đầu tư.
Một số khó khăn bắt đầu giảm dần, với những dấu hiệu về triển vọng lạc quan về hoạt động đầu tư trong năm 2016. Sau khi trì trệ trong năm 2016, đầu tư kinh doanh tăng dần, nhưng tại các nước phát triển chỉ tăng dưới 3¾%, và sản lượng hàng hóa vốn cải thiện trong năm 2017. Kết quả khảo sát cũng cho thấy những dấu hiệu về cải thiện đầu tư tại Mỹ, khu vực euro, và một số lĩnh vực tại Nhật Bản. Xu hướng cải thiện kinh tế ngắn hạn cũng có tác dụng khuyến khích đầu tư, và nhu cầu trong nước tăng cao đã trở thành yếu tố quyết định đầu tư. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tốc độ đầu tư ra sao và xu hướng phục hồi đầu tư này sẽ kéo dài đến khi nào, trong bối cảnh có nhiều rào cản đối với tiến trình phục hồi bền vững, bao gồm GDP được dự báo sẽ chậm dần trong dài hạn, động lực kinh doanh giảm dần tại một số nước, tác động đảo ngược tiềm năng về đổi mới cạnh tranh, đầu tư và tăng năng suất; bất định chính sách ở mức cao, bao gồm chính sách phát triển thương mại.
Trong giai đoạn 2018-2019, hoạt động đầu tư kinh doanh tại các nước phát triển được dự báo tăng trung bình 3½%. Điều này cho thấy, những rào cản mang tính cơ cấu dài hạn đang lấn át điều kiện thuận lợi mang tính chu kỳ, và tăng trưởng sống động về cổ phiếu sản xuất đang thấp xa những chỉ tiêu đạt được trước khủng hoảng tại hầu hết các nước. Tính trung bình tại các nước OECD, chi tiêu đầu tư trong năm 2018-2019 được dự báo chỉ đáp ứng khoảng 85% yêu cầu cần thiết để đảm bảo tốc độ tăng trưởng ròng của cổ phiếu sản xuất như trong giai đoạn 1990-2007.
Các chuyên gia OECD khuyến nghị, các nước cần áp dụng cách tiếp cận chính sách phối hợp, không chỉ về các vấn đề giám sát và kinh tế vĩ mô, mà cả về các biện pháp khắc phục những vấn đề cơ cấu. Trong đó, một hệ thống tài chính lành mạnh sẽ góp phần khắc phục tình trạng phụ thuộc của ngân sách vào việc phát hành nợ, góp phần giảm dần gánh nặng nợ nần. Ngoài ra, việc rút dần các chương trình trợ cấp nhà ở và để hoạt động cung ứng nhà ở thông suốt sẽ có tác dụng giảm dần xu hướng tăng trưởng mang tính chu kỳ từ bùng nổ đến đổ vỡ.
Hoàng Thế thỏa (Nguồn: OECD tháng 12/2017)
https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV318172&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=1441542682975000#%40%3F_afrLoop%3D1441542682975000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV318172%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D3q9fhm6qr_128