March 28, 2024

Kinh Tế

My Blog about Economic in Vietnamese or Vietnam

Hội thảo Khía cạnh chính sách để phát triển nền kinh tế số của Việt Nam

Source: Ngân hàng Thế giới DIỄN VĂN VÀ BẢN GHI CHÉP 7 THÁNG 3 NĂM...


Source: Ngân hàng Thế giới

DIỄN VĂN VÀ BẢN GHI CHÉP
7 THÁNG 3 NĂM 2019
Hội thảo Khía cạnh chính sách để phát triển nền kinh tế số của Việt Nam



Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Hội thảo “Khía cạnh chính sách để phát triển nền kinh tế số của Việt Nam”
Hanoi, Việt Nam
Như trong bản chuẩn bị để phát biểu
Kính thưa ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương,

Kính thưa các vị lãnh đạo và đại diện các cơ quan ban, ngành và doanh nghiệp,

Kính thưa các cơ quan đối tác phát triển,

Kính thức các vị khách quý,

Thưa các quý vị,

Tôi rất vui mừng được chào đón tất cả các quý vị đến tham dự hội thảo quan trọng này do Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương phối hợp tổ chức về một trong những chủ đề quan trọng nhất đang được thảo luận trên toàn cầu hiện nay: “Làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và tối đa hóa lợi ích của nó”.

Sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu, với tốc độ chóng mặt. Năm 2016, nền kinh tế số toàn cầu trị giá 11,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 15,5% GDP của thế giới. Tỷ lệ này dự kiến ​​sẽ đạt 25% trong chưa đầy một thập kỷ. Hiện nay, sáu (6) trong số mười (10) công ty hàng đầu thế giới là các công ty công nghệ, trong đó gần đây Apple đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có giá trị hơn 1.000 tỷ USD.

Về mức độ tập trung của nền tảng kinh doanh số, theo UNCTAD (2017), châu Á có 42 doanh nghiệp và xếp thứ hai chỉ sau Bắc Mỹ (có 63 doanh nghiệp). Những thương hiệu nổi tiếng như Alibaba, JD.COM, Gojek, Grab, Lazada và Softbank đều khởi nghiệp tại châu Á.

Mặc dù hoạt động trong những ngành khác nhau, những công ty này đều có một điểm chung – tất cả đều tận dụng các công nghệ đột phá và chuyển đổi để sản xuất và cung cấp sản phẩm và dịch vụ hiệu quả hơn. Đúng như vậy, công nghệ đột phá đang thay đổi cách doanh nghiệp hoạt động trên 3 lĩnh vực: (i) thu thập, lưu trữ, tiếp cận, phân tích, trình bày dữ liệu (Internet vạn vật, Máy bay không người lái, Dữ liệu lớn); (ii) phát triển kỹ thuật sản xuất để tăng hiệu quả, tính kinh tế và tốc độ (In 3D, Robotics); và (iii) tương tác với thế giới và cung cấp/tiếp nhận dịch vụ (chính phủ điện tử, tài chính số, sinh trắc học).

Công nghệ đột phá đã ở đây, ngay tại Việt Nam. Trong một thời gian ngắn kể từ khi đến Hà Nội, tôi đã thấy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, ban đầu tập trung vào một số dịch vụ, ví dụ như:

§ Ngành công nghiệp gọi xe dựa trên công nghệ số đang phát triển nhanh chóng;

§ Sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử cạnh tranh trực tiếp với mạng lưới bán lẻ truyền thống;

§ Sự phát triển của các nền tảng lưu trú số đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch bằng việc cạnh tranh với khách sạn truyền thống ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hội An; và

§ Vai trò ngày càng lớn của các công ty Fintech và Giải pháp thanh toán.

Nền kinh tế số sôi động này hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có thể tham gia vào nền kinh tế Việt Nam. Đó là do các nền tảng thương mại điện tử đưa doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đến với những thị trường lớn (cả trong và ngoài nước) và rút ngắn khoảng cách đến thị trường, đặc biệt là đối với những công ty nằm xa các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. Nền kinh tế chia sẻ có nghĩa là người Việt Nam bình thường cũng có thể tham gia dễ dàng hơn vào nền kinh tế số thông qua việc sử dụng nhà của mình để kiếm thêm thu nhập thông qua các nền tảng lưu trú số hoặc sử dụng xe máy và ô tô của mình trên các nền tảng gọi xe dựa trên công nghệ kỹ thuật số.

Mặc dù công nghệ có khả năng chuyển đổi, 3 yếu tố thúc đẩy quan trọng là gì? Đó là chính sách, chính sách và chính sách! Đúng như vậy, bằng cách thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi, Chính phủ có thể thúc đẩy một cách có hiệu quả và đảm bảo lời hứa này trở thành hiện thực. Tôi rất vui khi thấy các chính sách của Chính phủ Việt Nam ngày càng tập trung vào công nghệ đột phá và nền kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngân hàng Thế giới sẽ sớm công bố một báo cáo mới về thực trạng và nền tảng của nền kinh tế số ở Đông Nam Á. Báo cáo nhằm mục đích cung cấp thông tin về những điểm đang phát triển tốt của các quốc gia và những điểm đang bị tụt hậu. Trong đó, báo cáo tập trung vào vai trò của chính sách và quy định pháp lý hiện nay đang thực sự tạo điều kiện hay lại cản trở sự phát triển của một môi trường thuận lợi cho nền kinh tế số. Báo cáo này cũng so sánh Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực mà các chuyên gia của chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn trong phần tiếp theo. Tôi xin nhấn mạnh 5 phát hiện chính của báo cáo quan trọng này.

Thứ nhất, thanh toán điện tử là một phần quan trọng trong nền kinh tế số. Chỉ số tài chính toàn diện toàn cầu (Global Findex) gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy chỉ có 19% chủ tài khoản tài chính ở khu vực Đông Nam Á truy cập vào tài khoản của mình bằng điện thoại di động hoặc Internet. Con số này thấp hơn mức bình quân của các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng pháp lý phù hợp và sử dụng thanh toán điện tử khi tương tác với người dân – ví dụ như khi thanh toán cho các dịch vụ của chính phủ hoặc nhận lương hưu. Tương tự như vậy, các chương trình căn cước công dân kỹ thuật số do Chính phủ thực hiện có thể giúp người dân truy cập tài khoản dễ dàng hơn.

Thứ hai, các chính sách nhằm nâng cao niềm tin rất quan trọng để tăng cường sự tham gia trong nền kinh tế số, bao gồm một loạt các lĩnh vực từ quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng, cho đến bảo vệ người tiêu dùng. Các chính sách này cũng cần được phối hợp chặt chẽ hơn trong khu vực, để các cá nhân và doanh nghiệp đều biết những quy định nào được áp dụng khi dữ liệu của họ di chuyển qua biên giới.

Thứ ba, cần phải tăng cường các kỹ năng kỹ thuật số của người dân, không chỉ để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, mà còn để đảm bảo những cơ hội và lợi ích của nền kinh tế số đến được với mọi người. Mặc dù khu vực này đã có nền tảng đọc, viết và tính toán tốt, hệ thống giáo dục cần thích nghi hơn với nhu cầu thay đổi của thị trường, từ việc sử dụng máy tính cơ bản đến các kỹ năng nâng cao như lập trình và phân tích dữ liệu, cũng như các kỹ năng mềm như hợp tác và giao tiếp. Để đạt được điều này đòi hỏi phải tập trung vào các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

Thứ tư, cải thiện hệ thống logistics, đặc biệt là cho thương mại điện tử, có ý nghĩa rất quan trọng. Để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thường rất tốn kém và không tin cậy. Điều kiện địa hình khó khăn tại nhiều quốc gia Đông Nam Á là một yếu tố cơ bản, nhưng quy định pháp lý cũng đóng một vai trò thiết yếu. Ví dụ, Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới cho thấy hải quan là lĩnh vực có hiệu quả kém nhất trong môi trường logistics của khu vực.

Cuối cùng, các Chính phủ cần đi đầu bằng việc đi trước và trở nên số hóa hơn. Điều này có nghĩa là không chỉ lồng ghép hệ thống vào nền tảng “toàn bộ hệ thống chính phủ” tích hợp, mà còn cung cấp các nền tảng dịch vụ kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thời gian và chi phí giao dịch. Cấp phép và phê duyệt giấy phép trực tuyến là ví dụ tuyệt vời của những dịch vụ kỹ thuật số như vậy. Các sáng kiến ​​như căn cước công dân kỹ thuật số toàn quốc có thể thúc đẩy lợi ích trực tiếp trong những lĩnh vực khác của nền kinh tế số – như ví dụ thanh toán điện tử đã đề cập ở trên. Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong một số lĩnh vực như giúp Ngân hàng Nhà nước xây dựng hệ thống thanh toán điện tử, hỗ trợ thiết kế cải cách quản trị kỹ thuật số toàn diện (cùng với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan) để thúc đẩy công nghệ số trong cải cách hành chính, cho phép cung cấp dịch vụ kỹ thuật số và nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc chia sẻ và sử dụng thông tin tốt hơn giữa các cơ quan chính phủ.

Chìa khóa cho tất cả những điều trên là sự cần thiết phải có những nỗ lực được phối hợp chặt chẽ và hài hoà giữa các cơ quan chính phủ để phát triển nền kinh tế số. Nền kinh tế số có tính chất đa ngành và do đó liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, sản xuất, y tế, giáo dục, giao thông, logistics, du lịch, khách sạn và thực phẩm. Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng môi trường pháp lý khuyến khích đổi mới và cạnh tranh, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng thông qua điều tiết và phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan chính phủ.

Tất cả các chủ đề này, đặc biệt là trong bối cảnh của Việt Nam, sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong các phiên họp tiếp theo, và chúng tôi hy vọng hôm nay chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận sôi nổi và hiệu quả.

Tôi chân thành cảm ơn sự lãnh đạo mạnh mẽ của Bộ Công Thương và cá nhân Thứ trưởng Cao Quốc Hưng. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ cho Bộ Công Thương và các cơ quan Chính phủ khác để thúc đẩy chương trình về kinh tế số vì sự thịnh vượng của Việt Nam.

Xin cảm ơn!








http://www.worldbank.org/vi/news/speech/2019/03/07/workshop-on-policy-aspects-for-vietnam-digital-economy-development